Lễ cúng Ông Táo và cúng giao thừa như thế nào cho đúng?

Thứ Sáu, Tháng Mười Một 2nd, 2018

Lễ cúng ông công ông táo ngày 23 tháng Chạp hằng năm và lễ cúng giao thừa, xua tan mọi buồn phiền mất mát của năm cũ để cầu mong một năm mới ấm no hạnh phúc là các nghi thức cuối năm rất được mỗi gia đình Việt Nam coi trọng, nhất là những gia đình theo tín ngưỡng đạo Phật. Cũng tùy theo sự tin tưởng của gia chủ mà hai nghi thức cúng vái này sẽ được thực hiện khác nhau, nếu bạn chưa hiểu nhiều thì hãy cùng chuyên mục khám phá những nét đẹp truyền thống văn hóa này ngay bây giờ nhé.

Cúng đêm giao thừa gồm những gì

Mâm cúng Giao thừa ngoài trời là cỗ mặn, gồm có xôi gà, hoặc thủ lợn, bánh chưng, mứt, trầu cau, rượu, nước, vàng mã và hoa quả. Lễ vật không cần quá cầu kỳ, hầu hết là những sản vật gần gũi với đời sống gia đình, miễn sao đảm bảo thanh tịnh. Cúng Giao thừa người ta đặc biệt chú ý đến gà cúng, gà thường là gà trống choai, mới tập gáy, thân hình cân đối, mào cờ, mỏ vàng, chân vàng và chưa từng đạp mái.
Mâm cúng ngoài trời phải đặt ở nơi sạch sẽ, trên mâm có một bát gạo để cắm hương, hai ngọn nến hoặc đèn dầu.
Cúng đêm Giao thừa trong nhà là để lễ tổ tiên, với mong muốn cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình gặp nhiều điều tốt lành năm mới. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm gồm: bánh chưng, giò, chả, xôi gấc, thịt gà, xôi đậu xanh, Các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình.
Tùy từng vùng miền khác nhau mà có thêm những đặc trưng riêng, như ở miền Bắc hay có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào…; miền Trung hay có bánh chưng, gà bóp rau răm, bánh tét, giò lụa, thịt heo luộc, giá chua…; miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò…
Ngoài mâm lễ mặn, còn có mâm lễ ngọt gồm: hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết, rượu, bia và các loại đồ uống khác.
Chú ý vào năm Dậu thì thay món gà bằng chân giò.

Cách cúng Ông Táo

Ngày 23 tháng Chạp – ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo, mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, cắm hoa ở những nơi trang trọng. Vì thế, các gia đình coi đây là ngày “chư thần trầu thiên” – các thần về trời, tâu với Ngọc Hoàng một năm làm việc thiện, ác, tốt, xấu của gia đình mình để Ngọc Hoàng đề ra một chương trình làm việc trong năm mới.

Ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình. Bài cúng Ông Táo là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Về “phương tiện” để ông Công, ông Táo “chầu trời”, ở miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” – cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta có thể làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.

Tin bóng đá